Cổ phiếu “họ” Vin bật tăng như vũ bão, cả thị trường dậy sóng

Sau phiên lao dốc mạnh hôm qua, sáng nay (16/6), các chỉ số đã bật tăng trở lại đầy ấn tượng dù thanh khoản đã phần nào hạ nhiệt so với những phiên trước. Nhóm cổ phiếu “họ” Vingroup tăng mạnh.

Cụ thể, VN-Index tăng 18,34 điểm tương ứng 2,2% lên 850,81 điểm; HNX-Index tăng 1,3 điểm tương ứng 1,14% lên 115,12 điểm; UPCoM-Index cũng tăng 0,39 điểm tương ứng 0,7% lên 55,92 điểm.

Thanh khoản trên HSX đạt 250,06 triệu cổ phiếu tương ứng 3.398,43 tỷ đồng và đạt 37,41 triệu cổ phiếu tương ứng 361,52 tỷ đồng trên HNX. Con số này trên UPCoM là 12,55 triệu cổ phiếu tương ứng 123,45 tỷ đồng.

Bức tranh thị trường đổi màu và hoàn toàn trái ngược so với phiên hôm qua. Sắc xanh chiếm vai trò chủ đạo với 416 mã tăng giá, 39 mã tăng trần so với 208 mã giảm và 36 mã giảm sàn trên cả 3 sàn giao dịch.

Trong rổ VN30 chỉ có 3 mã giảm giá còn lại 27 mã đều tăng, nhờ đó, chỉ số VN30-Index cũng tăng 15,92 điểm tương ứng 2,04% lên 794,63 điểm. Trong đó, các mã trụ cột đều hồi phục mạnh mẽ.

VHM tăng 4.000 đồng lên 74.000 đồng/cổ phiếu; VNM tăng 4.000 đồng lên 116.000 đồng, VIC tăng 3.100 đồng lên 92.100 đồng; SAB tăng 3.000 đồng lên 169.000 đồng, VCB tăng 1.000 đồng lên 83.000 đồng. Một loạt các mã lớn khác như VRE, MWG, PLX, BVH, BID, GAS…. đều tăng giá mạnh.

Nếu như trong phiên trước, cổ phiếu họ Vingroup là một trong những yếu tố chính “nhấn chìm” thị trường thì sáng nay, nhóm này lại là “công thần” kéo chỉ số hồi phục. VHM đóng góp tới 3,82 điểm còn VIC đóng góp 2,99 điểm. VRE cũng mang về 0,96 điểm cho VN-Index.

Ở chiều ngược lại, ITA của Tân Tạo vẫn tiếp tục bị chốt lời và giảm về mức giá 5.760 đồng/cổ phiếu. VJC, EIB, HBC, DPR giảm.

Trên thị trường quốc tế, chứng khoán Mỹ cũng đã hồi phục sau tuần giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 3. Trong đó, chỉ số Dow Jones tăng 157,62 điểm tương ứng 0,6% lên 25.763,16 điểm; S&P 500 tăng 0,8% lên 3.066,59 điểm và Nasdaq Composite tăng 1,4% lên 9.726,02 điểm.

Thị trường Mỹ hồi phục nhờ thông tin Fed sẽ mua trái phiếu doanh nghiệp cá nhân, đánh dấu sự tiếp cận rộng hơn vào thị trường thứ cấp và cho thấy cơ quan này sẽ tiếp tục hỗ trợ thị trường tín dụng.

Về triển vọng của phiên giao dịch hôm nay, ngoại trừ VDSC thì hầu hết các công ty chứng khoán đều đưa ra nhận định thận trọng. Theo VDSC, hiện tại các chỉ số chính của thị trường đều đã về vùng hỗ trợ quan trọng. Do đó, các nhà đầu tư có thể giải ngân nhẹ vào các cổ phiếu giảm sâu để thăm dò thị trường trong thời điểm này.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam thì cho rằng, phiên bán mạnh hôm qua đã cho thấy xu hướng giảm ngắn hạn vẫn tiếp tục được duy trì với ngưỡng hỗ trợ gần nhất quanh 820 điểm. Điểm số kỹ thuật ngắn hạn theo hệ thống Mirae Asset tiếp tục duy trì tiêu cực khi hầu hết các chỉ báo đều thể hiện tín hiệu bi quan.

VXT GROUP hợp tác phân phối sản phẩm khẩu trang và thiết bị bảo hộ y tế

Với mong muốn cùng chung tay chống dịch Covid – 19, đưa ra thị trường những sản phẩm bảo hộ có chất lượng cao, Tập Đoàn VXT – VXT GROUP  đã hợp tác với Công Ty Cổ Phần Đầu Tư Thiện Bình để trở thành một nhà phần phối sản phẩm khẩu trang y tế, quần áo bảo hộ, thiết bị y tế… nhằm cung ứng ra thị trường những sản phẩm y tế, sản phẩm bảo hộ có chất lượng tốt nhất và giá thành cạnh tranh nhất.

Giảm 50% phí trước bạ ô tô, hỗ trợ doanh nghiệp bị tổn thương đặc biệt!

Theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, chính sách hỗ trợ cho các đối tượng chịu thiệt hại do Covid-19 sắp ban hành gồm giảm 50% phí trước bạ ô tô, DN nhỏ và vừa, DN bị tổn thương đặc biệt…

Sáng nay (16/6), Quốc hội thảo luận tại hội trường Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) phải nộp năm 2020 đối với DN, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) nêu quan điểm: “DN nhỏ và vừa là khu vực tạo ra nhiều việc làm nhất trong đất nước này nên hỗ trợ là hỗ trợ người lao động. Đây cũng là một giải pháp hỗ trợ cho an sinh chứ không phải chỉ nền kinh tế. Khu vực DN vừa và nhỏ rất nhạy cảm dễ bị đóng cửa, nhưng khôi phục và mở rộng quy mô nhanh”.

Theo ông Lộc, vì lí do ngân sách hạn hẹp nên không thể hỗ trợ cho toàn bộ đối tượng doanh nghiệp thì ít nhất cũng hỗ trợ cho toàn bộ DN nhỏ. Hãy hỗ trợ đúng đối tượng DN nhỏ theo quy định trong Luật.

Đại biểu Phùng Văn Hùng (đoàn Cao Bằng) cho rằng không nên chỉ hỗ trợ cho đối tượng DN nhỏ mà mở rộng ra quy mô hỗ trợ cả DN vừa và DN nhỏ. “DN vừa và nhỏ đều đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Đây là nhóm đối tượng thiếu nguồn lực, khoa học công nghệ, yếu về năng lực quản lý, khả năng tiếp cận tín dụng rất kém so với DN lớn…” – ông Hùng lý giải.

Nam đại biểu đoàn Cao Bằng đề nghị Chính phủ sớm xem xét sửa đổi Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và một số luật khác liên quan để sớm đưa Luật DN vừa và nhỏ vào cuộc sống.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu việc quy định hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ có doanh thu dưới 50 tỷ đồng và đóng bảo hiểm xã hội dưới 100 lao động là khá mơ hồ.

“Lẽ ra DN có doanh thu thực là 55 tỷ đồng, thậm chí 60 tỷ đồng nhưng họ sẽ cố gắng lách để khai chỉ dưới 50 tỷ đồng thôi, thậm chí là 49,9 tỷ đồng để được hưởng chính sách. Tôi nghĩ là nên xác định rõ ràng toàn bộ DN nhỏ là được áp dụng giảm hết” – vị đại biểu Đồng Tháp nhấn mạnh.

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: Nghị quyết là một trong các giải pháp tài khóa Chính phủ đưa ra để hỗ trợ DN trong tình hình hiện nay.

Về đối tượng, cơ quan soạn thảo cơ bản tiếp thu và sẽ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để sớm có báo cáo Quốc hội. Về tiêu chí, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, phải chọn các tiêu chí để khi tổ chức thực hiện và quản lý thuận lợi, tránh những rủi ro.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thông tin: Vừa qua, Chính phủ đã thực hiện đồng bộ các giải pháp về tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 về gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho các đối tượng gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19.

Về cắt giảm phí, lệ phí, đến nay Bộ Tài chính đã ban hành 18 thông tư, giảm các loại phí, lệ phí. Nhiều loại phí, lệ phí đã được giảm rất sâu, trong đó có lĩnh vực hàng không. Đặc biệt, giảm giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán, cho nên trong thời gian vừa qua đã có tác động rất lớn, góp phần ổn định thị trường.

Bên cạnh đó, các chính sách như giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Về giảm chi phí cho DN, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ sửa một số nghị định để điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, trong đó hỗ trợ công nghiệp phụ trợ, da giày, dệt may.

Ngoài ra, trong thời gian tới, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đang xây dựng và sẽ trình Chính phủ quyết định giảm 50 % lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước; trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghị quyết về thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay. Các chính sách thuế này, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bị tổn thương đặc biệt như hàng không.

Đây là một trong các giải pháp, còn để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thì phải thực hiện đồng bộ các giải pháp về tài khóa.

“Theo quy định, các doanh nghiệp đã tự tính, tự khai, tự nộp. Tinh thần của Nghị định này cũng như vậy. Tuy nhiên, trong quá trình quản lý chúng tôi phải tăng cường quản lý rủi ro, trường hợp cần thiết vẫn phải thanh tra, kiểm tra” – Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh.

Khi nào xe chuẩn châu Âu vào Việt Nam giảm 300 triệu đồng/chiếc?

Theo dự thảo về biểu thuế ưu đãi xe nhập từ EU giai đoạn 2021-2022, Việt Nam sẽ cắt giảm từ 7-8% thuế nhập khẩu mỗi năm, mức cắt giảm này theo lộ trình bãi bỏ thuế mặt hàng này trong 9-10 năm tới.

Bộ Tài chính vừa đưa ra dự thảo Nghị định về biểu nhập khẩu ưu đãi đặc biệt trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) giai đoạn 2020 và 2022, theo đó trong lĩnh vực ô tô mỗi năm Việt Nam sẽ bỏ thuế nhập 7,1%.

Giai đoạn 2021-2022, Việt Nam cắt bỏ thuế quan trung bình từ 7,1% đến 7,8%, về lý thuyết giá xe nhập châu Âu có thể sẽ giảm từ vài chục đến vài trăm triệu đồng mỗi chiếc

Cụ thể, trong biểu thuế của ô tô, Bộ Tài chính nêu rõ, hiện nay các dòng xe nhập từ EU theo mã HS có mức thuế nhập trung bình từ 66,6% đến 70,9% tùy theo dung tích xy-lanh.

Ở dòng xe có dung tích xy-lanh từ 1.000 cc đến 2.500 cc, mức thuế nhập khẩu hiện tại là 70,9%, sẽ được cắt giảm về mức thuế 63,8% năm 2021 và 56,7% vào năm 2022.

Đối với xe có dung tích xy-lanh trên 2.500 cc đến 3.000 cc và từ 3.000 cc trở lên, mức thuế suất thuế nhập khẩu hiện nay là 70,2% sẽ được giảm về mức 62,4% năm 2021 và 54,6% năm 2022.

Như vậy, có thể nói các mức thuế mà Bộ Tài chính đưa ra cho xe hơi nhập khẩu từ châu Âu sẽ giảm theo lộ trình tương ứng từ 7,1% đến 7,8% tùy theo dung tích xe hơi. Các loại xe có dung tích xy-lanh càng cao, được giảm thuế nhập càng nhanh tại Việt Nam. Trong khi đó, các mẫu xe có dung tích xy-lanh nhỏ hơn sẽ được giảm thuế chậm hơn.

Được biết, dự thảo Nghị định này đã và đang được lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương trước khi trình Chính phủ ký ban hành. Dự kiến trong thời gian ngắn, Nghị định sẽ được ban hành để hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức tuân thủ các quy định về lộ trình cắt bỏ thuế quan.

Như vậy, với việc cắt bỏ từ 7 đến gần 8% thuế suất, xe châu Âu vào Việt Nam về lý thuyết có thể giảm theo tỷ lệ tương ứng.

Theo thông tin từ Vụ Hợp tác quốc tế, việc giảm thuế nhập khẩu cho hàng hóa từ EU vào Việt Nam sẽ phải tuân thủ theo quy định của pháp luật và các cam kết ràng buộc trong EVFTA. Chính vì vậy, lộ trình cắt giảm thuế quan sau giai đoạn 2022 sẽ được sớm xây dựng và trình Chính phủ ký ban hành.

Trên thị trường, việc bỏ mức thuế suất từ mức 70% đang được chờ đợi là cú huých cho thị trường xe nhập tại Việt Nam. Tuy nhiên, để giảm giá trên thực tế lại cần rất nhiều yếu tố từ doanh nghiệp, thị trường.

Giả sử một chiếc xe dung tích xy-lanh trên 2.500 cc có giá khai báo nhập khẩu hải quan nhập vào Việt Nam 2 tỷ đồng (giá chưa bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT và phí trước bạ), với tỷ lệ thuế nhập khẩu giảm từ 7,8%/ năm, giá xe trên lý thuyết sẽ giảm tương ứng trên 150 triệu đồng/năm, tương đương khoảng 300 triệu đồng vào năm 2022.

Nếu lộ trình cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu trung bình từ 7,1%-7,8%/năm trong giai đoạn 2021-2022 được áp dụng cho 9-10 năm tới, các dòng xe có dung tích cao từ 2.500 cc trở lên sẽ mất 9 năm để về thuế nhập 0%; trong khi đó, dòng xe từ dưới 2.500 cc trở xuống sẽ mất 9 năm 9 tháng để bỏ thuế về 0%.

Hiện, ngoài thuế nhập khẩu, các dòng xe châu Âu sẽ phải chịu thêm thuế Tiêu thụ đặc biệt (35% đến 150% tùy theo dung tích xe), thuế giá trị gia tăng (10%), phí trước bạ (10-12% tùy theo địa phương), thuế thu nhập doanh nghiệp (22%), phí đăng ký biển… được tính vào giá xe khi đăng ký xe lần đầu (giá lăn bánh).

Xe châu Âu hầu hết có dung tích xy-lanh cao từ trên 2.000 cc trở lên, vì vậy ngoài mức thuế nhập lớn, các dòng xe này còn phải chịu thuế Tiêu thụ đặc biệt từ trên 40% trở lên, điều này khiến giá xe nhập từ châu Âu tại Việt Nam luôn cao hơn nhiều so với xe Nhật, Hàn nhập từ các thị trường khác.

Trung Quốc – Phép thử “tồi tệ” cho tương lai hồi phục của kinh tế toàn cầu

Sự phục hồi “mỏng manh” của nền kinh tế Trung Quốc đang kéo theo nhiều nghi vấn về triển vọng tương lai của nền kinh tế toàn cầu hậu đại dịch Covid-19.

Các nhà máy công nghiệp ở Trung Quốc liên tục hoạt động, cố gắng trở về trạng thái ban đầu giống với trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Ảnh: SCMP

Kinh nghiệm của Trung Quốc đến nay cho thấy, dù đã kiềm chế được đại dịch, song tiêu dùng và đầu tư vẫn chưa thể nhanh chóng trở lại bình thường.

Hàng loạt số liệu thống kê quan trọng gần đây cho thấy, sản lượng nhà máy, tiêu dùng và đầu tư của Trung Quốc tiếp tục cải thiện trong tháng 5. Tuy nhiên, rất ít dấu hiệu chỉ ra có quy mô hồi phục đủ lớn để nền kinh tế bật lại theo hình chữ V.

Vì vậy, giới phân tích đang lo ngại cho triển vọng kinh tế toàn cầu.

Nỗi lo ngại được đặt ra ở đây chính là nếu Trung Quốc – một quốc gia đã thành công trong việc kiềm chế đại dịch – lại không thể kéo niềm tin lên cao và đưa hoạt động kinh tế nhanh chóng quay về bình thường, thì nước nào mới có thể thực hiện được đây?

“Kinh nghiệm của Trung Quốc cho đến thời điểm hiện nay đã chứng tỏ rằn con đường phục hồi của kinh tế toàn cầu sẽ gặp rất nhiều trở ngại”, Shaun Roache – kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại S&P Global Ratings cho biết. Ông nhận định niềm tin tiêu dùng và đầu tư tại Trung Quốc còn thấp: “Chúng tôi vẫn dự báo Trung Quốc hồi phục nửa cuối năm, nhưng nhu cầu sẽ không tăng vọt”.

Điểm sáng mới nhất của nền Trung Quốc chính là giá nhà mới tháng 5 đã tăng với tốc độ nhanh nhất 7 tháng, nhờ các lệnh phong tỏa được nới lỏng.

Cùng với đó, sản lượng công nghiệp tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh số bán lẻ giảm 2,8% – cải thiện đáng kể so với mức giảm 7,5% tháng 4. Đầu tư vào tài sản cố định giảm 6,3% trong 5 tháng đầu năm. Sản lượng thép cũng tăng vọt.

Hơn 240.000 công ty Trung Quốc tuyên bố phá sản trong vòng hai tháng đầu năm 2020. Ảnh: Asianews

Tuy nhiên, sự ảm đạm trong đầu tư tư nhân và tiêu dùng tại Trung Quốc cho thấy điều kiện trong nước còn yếu và nhu cầu quốc tế vẫn chưa quay lại. “Thiếu nhu cầu là vấn đề chính với kinh tế Trung Quốc hiện tại”, Shen Jianguang – chuyên gia kinh tế tại hãng bán lẻ trực tuyến JD.com cho biết.

Các nhà hoạch định chính sách tại Trung Quốc vẫn đang tung ra các gói hỗ trợ một cách thận trọng. Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) vào hôm 14/6 đã tung ra thêm gói hỗ trợ trị giá 200 tỷ Nhân dân tệ (28 tỷ USD) cho các ngân hàng.

“Khảo sát chính thức tại Trung Quốc cho thấy, các doanh nghiệp lớn của nước này vẫn chưa khôi phục được 100% công suất, dù cho lệnh giãn cách xã hội đã được gỡ bỏ 4 tháng. Thách thức dành cho các công ty nhỏ còn lớn hơn. Khó khăn chủ yếu đến từ nhu cầu. Cả nhu cầu trong và ngoài nước đều đang yếu”, Chang Shu – chuyên gia trưởng về kinh tế khu vực châu Á tại Bloomberg nhận xét.

Số liệu mới nhất về Trung Quốc được công bố trong bối cảnh giới phân tích còn chia rẽ về mô hình phục hồi kinh tế toàn cầu.

Vào cuối tuần trước, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow chia sẻ trên CNN rằng “khả năng cao” nền kinh tế nước Mỹ sẽ hồi phục theo hình chữ V. Nhưng chỉ trước đó vài ngày, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell còn cảnh báo việc phục hồi sẽ mất nhiều thời gian.

Các nhà kinh tế tại Morgan Stanley thì cho biết kinh tế toàn cầu đang trong chu kỳ tăng trưởng mới và GDP sẽ hồi phục về mức tiền đại dịch vào quý IV. Họ dự báo thế giới suy thoái “sâu nhưng ngắn hạn”.

“Chúng tôi có niềm tin vào đà phục hồi hình chữ V, dựa trên các số liệu tăng trưởng đáng ngạc nhiên và hành động chính sách gần đây”, báo cáo triển vọng giữa năm của hãng này cho biết.

Các nhà kinh tế học tại JPMorgan Chase & Co nhấn mạnh rủi ro khối nợ và thâm hụt ngân sách tăng vọt, buộc các chính phủ giảm quy mô kích thích tài khóa. “Bước ngoặt này, cùng việc các ngân hàng trung ương có động thái hạn chế, là yếu tố quan trọng khiến chúng tôi dự báo đà phục hồi không hoàn chỉnh trong suốt năm 2021”, báo cáo cho biết.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tuần trước lại cảnh báo kinh tế toàn cầu đang hồi phục chậm hơn dự kiến và vẫn còn “bất ổn lớn” về triển vọng. OECD thì dự báo, GDP thế giới giảm 6% năm nay, nếu đại dịch được kiềm chế.

Quá trình này phụ thuộc phần lớn vào diễn biến đại dịch. Giới chức Trung Quốc đang chạy đua kiểm soát ổ dịch mới ở Bắc Kinh. Gần 100 người đã nhiễm bệnh chỉ trong vài ngày cuối tuần trước.

“Số liệu tháng 5 cho thấy, có cải thiện, dù tốc độ không mạnh như kỳ vọng”, Helen Qiao – kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc tại Bank of America cho biết, “Đại dịch tái bùng phát tại Bắc Kinh cho thấy rủi ro rằng các hoạt động kinh tế vẫn có thể chịu tác động một lần nữa”.

Lộ danh tính “đại gia” đứng sau thương vụ mua cổ phần Vinhomes

Sau giao dịch của đối tác ngoại KKR, Tập đoàn Vingroup vẫn tiếp tục là cổ đông kiểm soát của Vinhomes.

Như tin đã đưa, trong phiên giao dịch hôm qua (15/6), khối nhà đầu tư ngoại đã mua vào gần 201,7 triệu cổ phiếu VHM và chỉ bán ra gần 720 nghìn cổ phiếu này. Giá trị thoả thuận đạt trên 15.000 tỷ đồng.

Có thể khẳng định, lượng cổ phiếu thỏa thuận “khủng” nói trên do nhà đầu tư trong nước bán ra và bên mua là nhà đầu tư nước ngoài. Chưa rõ danh tính bên mua và bên bán.

Đến hôm nay (16/6), thị trường đã phần nào có câu trả lời cho giao dịch đáng chú ý nói trên.

Trong thông cáo được Tập đoàn Vingroup phát ra hôm nay, tập đoàn này cho biết, một nhóm nhà đầu tư do KKR đứng đầu, trong đó có Temasek đã hoàn tất giao dịch mua lại một khoản đầu tư tại Vinhomes.

Theo đó, nhóm nhà đầu tư KKR đã đầu tư tổng cộng 15,1 nghìn tỷ đồng (tương ứng với 650 triệu USD), tương đương khoảng 6% cổ phần Vinhomes.

“Sau giao dịch, Tập đoàn Vingroup – Công ty CP sẽ tiếp tục là cổ đông kiểm soát của Vinhomes. KKR đầu tư chủ yếu từ Quỹ châu Á III” – thông cáo của Vingroup cho biết.

Theo nhận định của phía Vingroup, sự kiện này cho thấy Việt Nam vẫn là điểm sáng nổi bật trên thị trường vốn khu vực nhờ triển vọng phát triển và tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ; đồng thời cũng chứng minh sức hấp dẫn của Vinhomes với năng lực triển khai dự án, sở hữu quỹ đất lớn…

Credit Suisse (Singapore) Limited là đơn vị tư vấn tài chính của Vingroup trong thương vụ này.

Được biết, KKR là một công ty đầu tư toàn cầu hàng đầu, với nhiều hình thức đầu tư đa dạng, bao gồm vốn cổ phần tư nhân, năng lượng, cơ sở hạ tầng, bất động sản và tín dụng, với các đối tác chiến lược quản lý các quỹ phòng hộ.

KKR đầu tư nguồn vốn tích lũy của mình bên cạnh nguồn vốn quản lý, cung cấp các giải pháp tài chính và cơ hội đầu tư thông qua hoạt động kinh doanh trên thị trường vốn.

Còn Temasek là một công ty đầu tư, sở hữu danh mục đầu tư trị giá 313 tỷ đôla Singapore (tương đương 231 tỷ USD) tính đến ngày 31/03/2019.

Trên thị trường chứng khoán, sau chuỗi giảm 5 phiên liên tục và đánh mất 6,7% trong phiên hôm qua, đến phiên hôm nay 16/6, cổ phiếu VHM của Vinhomes đã tăng trần mạnh mẽ, tăng 7% lên 74.900 đồng.